Ý nghĩa Sám hối sáu căn

21/04/2016 | Lượt xem: 5527

TT.Thích Thông Phương

Hôm nay, quý Thầy xin nói về ý nghĩa sám hối sáu căn cho tất cả quí Phật tử trong đạo tràng hiểu, để thấy rõ được đường lối tu hành của Thiền viện. Nếu chỉ biết tụng sám hối sáu căn mà chưa hiểu hết ý nghĩa thì việc làm của chúng ta vẫn còn cạn, chưa sâu. Thế nên, khi tu học chúng ta phải làm sao nhận sâu được ý nghĩa giá trị của việc làm, chứ không phải chỉ trên hình thức thôi.

Lâu nay, quý Phật tử tụng Sám Hối Sáu Căn, nhưng có hiểu được ý nghĩa sám hối sáu căn nhắc nhở điều gì không?

Trước là nhắc buông hết những lầm mê, sống trở về gốc. Đây là một điểm sáng tạo đặc biệt của Thiền Việt Nam chứ không phải tầm thường. Thường thường, Phật tử chỉ tụng các bài sám hối như Sám Lễ Một Trăm Lẻ Tám Hồng Danh Chư Phật, Từ Bi Thủy Sám, Sám Dược Sư hoặc tụng Pháp Hoa… Còn sám hối này đặc biệt là sám ngay sáu căn, đây là sáng tạo pháp sám hối để ngay trong cuộc sống hằng ngày ứng dụng tu hành thực tế mà từ trước đến nay ít ai để ý. Bởi vì, sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là chỗ mỗi người hằng ngày sống, nếu sám hối chỗ này rất thực tế gần gũi, chính xác với chúng ta nhất.

Như lời mở đầu bài sám hối: “Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay, bỏ mất bản tâm không biết chánh đạo”. Tức là từ xa xưa, không biết từ lúc nào đến bây giờ chúng ta đã mê lầm bỏ mất bản tâm của mình, không biết chánh đạo là không biết con đường tu chân chánh nên đi con đường tà, con đường lầm lạc thế gian.

Như vậy, từ xưa đến nay chúng ta sống theo lầm mê hư vọng, nên quên mất bản tâm chính mình, không biết đâu là chánh đạo. Bản tâm của mỗi người tức là tâm gốc mà không biết thì biết cái gì, quí vị có ai biết bản tâm mình chưa?

Có lẽ chỉ nghe nói như nghe chư Phật, chư Tổ, quý thầy, quý cô giảng nhắc nên tin là mình có bản tâm, còn biết thì chắc là chưa nhận biết. Sự thật thì ai cũng đều có bản tâm hay tâm gốc nhưng vì chỉ sống với những tâm vọng tưởng, những tâm hư dối là tâm ngọn nên bị lầm mê. Cho nên, Phật nói chúng sanh sống mất gốc là chỗ đó, mà đúng thật như vậy. Trong khi bản tâm, tức là chuyện gốc, chuyện nhà của mỗi người mà không biết, lại đi biết những thứ đâu đâu, những thứ xa xôi, chuyện nhà người ta thì biết hết, nhưng mà chuyện nhà mình không biết, đó là lầm mê.

Từ lâu sáu căn chúng ta đuổi theo sáu trần bên ngoài, lo biết những thứ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp chuyện trần cảnh xa xôi bên ngoài, dẫn chúng ta đi càng ngày càng xa mất tâm gốc. Giờ đây, nếu hỏi lại bản tâm của mình là cái gì, thì nhiều vị còn thấy xa lạ như là ở đâu, nhiều khi tưởng là không dính dáng gì tới mình. Nhưng nếu hỏi những tâm buồn, vui, giận, ghét… thì thấy gần và rõ hơn, đó mới là điều đáng buồn.

Ví dụ: gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa bỏ cha là trưởng giả giàu có đi lang thang rồi khổ nhọc tìm cầu ăn mặc từng ngày nơi xứ người. Trong khi đó người cha là vị trưởng giả giàu có, kho tàng đầy dẫy để dành cho con kế thừa. Chúng ta cũng vậy, có tâm gốc chân thật nhưng lại bỏ đi lang thang theo sáu trần bên ngoài, tìm cầu chút hiểu biết hạn cuộc, được chút rồi mất, mất rồi tìm nữa, thật là lầm mê.

Pháp sám hối sáu căn này nhắc mọi người khéo thức tỉnh trở về chỗ thấy, nghe, hiểu biết hàng ngày ngay nơi sáu căn. Bởi vì mê cũng từ sáu căn dẫn ra sáu trần rồi tạo nghiệp sanh tử luân hồi, bây giờ cũng phải từ sáu căn đó mà trở về, cho nên sám hối là nhắc, là ăn năn hối lỗi để trở về bản tâm chân thật.

1- Đầu tiên, sám hối ngay căn mắt: “Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật”. Nhận hoa giả, tức là nhận những hình sắc bên ngoài, đó gọi là hoa giả. Còn trăng thật là bản tâm của mình, đó mới là gốc chân thật.

Nhưng vì chúng ta quên nên nhận cái giả, cái bóng chạy theo những sắc tướng vô thường hư dối bên ngoài, rồi quên mất tánh thấy hằng hữu của mình. Như thấy chiếc xe thì nhớ chiếc xe, thấy cái nhà nhớ cái nhà, thấy cái gì thì chỉ nhớ cái đó mà không nhớ mình có tánh thấy, tánh nghe…, đó là quên gốc.

Chúng ta sám hối ngay căn mắt để học để nhớ trở lại ngay khi thấy biết thì cái đó là gì? Thấy chỉ biết thấy thì ngay đó chân tâm hiện tiền sáng ngời, đâu có thiếu thốn, đâu cần phải đi cầu cái biết nào nữa.

Nếu tu hành cứ theo các tướng bên ngoài rồi khởi yêu, ghét, phân biệt tốt xấu là lầm, là làm mờ đi con mắt chánh kiến, bị những tướng xanh, trắng, vàng, tía qua lại làm lệch đi cái nhìn chân chánh, nên nói “Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục”. Tức làm lòa con mắt tâm, khiến không thấy được chỗ chưa sanh của mình là bản lai diện mục hay bộ mặt thật chính mình. Vì theo những cái bóng, những hình tướng cho nên làm lòa đi con mắt trí tuệ, không thấy được lẽ thật này, gọi là quên mình theo vật.

Khi sám hối, ngay đó nhắc chúng ta nhớ trở lại tánh thấy luôn hiện hữu nơi mình, dù khi có sắc hay không có sắc thì nó vẫn thấy, nó vẫn có không mất. Còn con mắt thịt này không biết thấy, phải luôn nhớ kỹ như vậy.

Đa số người đời ai cũng cho là khi ta thấy là do con mắt thấy. Thật ra, con mắt có thấy không? Nếu con mắt thấy thì người chết con mắt vẫn còn tại sao không thấy, nên nói con mắt thấy là không đúng. Vậy, cái gì thấy chứ không phải là con mắt thấy. Thí dụ: khi mở đèn thì đèn sáng, nhưng sự thật đèn có sáng không? Sáng là do nguồn điện phát ra ánh sáng, còn đèn chỉ là cơ quan phát ra ánh sáng, nên đèn hư có thể thay đèn khác được. Con người cũng vậy, nếu mắt hư thay tinh thể thì con mắt sáng lại, rõ ràng như vậy.

Nhưng cái gì khi đối với sắc thì liền biết thấy ngay không cần phải cố gắng, không cần suy nghĩ gì hết. Quý vị thấy trường hợp chúng ta vừa nhìn thấy cái gì đó thì liền biết ngay không cần suy nghĩ, rồi tiếp theo đó là thêm cái gì khiến cái biết đó biết phân biệt đẹp-xấu, dài-ngắn v.v…, đây là chỗ quan trọng mà chúng ta bỏ quên. Hằng ngày chúng ta đều tụng sám hối nhưng thật ra chưa có sám hối gì hết, nên Tổ dạy sám hối sáu căn để nhắc chúng ta sống trở lại ngay căn mắt, sẽ có lợi ích lớn.

2- Đến căn tai là “Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà, mê mất gốc chơn, đuổi theo ngoại vọng”. Vì thích nghe lời tà bên ngoài nên quên gốc chơn thật hay tánh nghe hằng hữu này, rồi đuổi theo những tiếng hư vọng bên ngoài, còn tánh nghe luôn sẵn đây thì lại không nhớ. Sám hối nghiệp căn tai để nhắc chúng ta nhớ lại tánh nghe luôn có mặt, luôn hiện hữu nơi mình, có tiếng hay không tiếng, nó cũng vẫn nghe. Khi nghe tiếng thì biết có tiếng, không nghe tiếng thì biết không có tiếng. Cái này không thuộc nơi tiếng, cũng không thuộc nơi lỗ tai, nó vẫn luôn sáng ngời, đó là chỗ chúng ta sám hối để trở về, sám hối được như vậy thì rất là hay.

Có lần, Thiền sư Vô Trụ đang luận đạo với tướng quốc Đỗ Hồng Tiệm. Lúc đó, có con quạ đậu kêu trên cành cây ở trước sân. Tướng quốc hỏi: “Thầy có nghe chăng?” Thiền sư đáp là nghe. Một lúc con quạ bay đi, tướng quốc lại hỏi: “Bạch thầy! Giờ thầy có nghe chăng?”. Thiền sư cũng đáp là nghe. Tướng quốc mới hỏi: “Con quạ đã bay đi mất rồi, không có tiếng kêu thì tại sao thầy lại nói nghe, vậy nghe cái gì?”

Thiền sư Vô Trụ liền họp tất cả đại chúng, Ngài nhắc: “Phật ra đời rất khó gặp, pháp cũng khó nghe, các ông hãy lắng nghe cho kỹ. Bởi có tiếng hay không tiếng chẳng quan hệ gì đến tánh nghe. Xưa nay tánh nghe chẳng sanh thì đâu từng có diệt, khi có tiếng là thinh trần tự sanh, chứ không phải tánh nghe sanh, khi không tiếng thì thinh trần tự diệt. Vậy có sanh có diệt là do tự nơi tiếng, còn tánh nghe đâu có sanh diệt. Bởi tánh nghe này chẳng nhân nơi tiếng mà có sanh có diệt, nếu ngộ được tánh nghe này liền khỏi bị thinh trần chi phối, phải biết tánh nghe vốn không sanh diệt đến đi”.

Ngài nhấn mạnh để tất cả chú tâm biết gặp đức Phật ra đời rất là khó, chánh pháp cũng rất khó nghe, những điều này không dễ gì được nghe. Quý Phật tử lâu nay được duyên lành gần gũi quý thầy, quý cô nghe giảng, cũng được nghe nhắc những điều này nên thấy như hơi quen. Nếu quán xét kỹ sẽ thấy trong thế giới luân hồi sanh tử hiện nay vẫn còn hàng tỉ chúng sanh chưa được nghe những điều này, đây không phải là điều dễ dàng được nghe. Những con trùng, con dế bao giờ nó được nghe, chim chóc, con chó bao giờ được nghe điều này, ngay những con người sống vùng xa xôi chưa từng gặp Phật pháp làm sao nghe được những điều này. Chúng ta nhiều khi nghe quen nên thấy nó thường, thành ra ít chú tâm. Vậy nên, Ngài nói đại chúng phải thấy được ý nghĩa đó và nhắc nhở mỗi người cùng sám hối để trở về cội gốc, nếu không thì chỉ lo đuổi theo những tiếng hay dở bên ngoài rồi khen chê làm mất gốc chân thật. Sám hối như vậy mới đầy đủ ý nghĩa.

Hằng ngày, vừa lễ sám hối xong thì đã nghe phân biệt, khen chê, hay dở liền. Chúng ta cần phải nhớ điều này: luôn luôn tỉnh giác mới thực là sám hối. Đây chính là đường lối thực tế giúp chúng ta tu tập hằng ngày.

3- Nghiệp căn mũi

“Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào, chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh”. Tức là thích theo những mùi lạ ngon thơm. Còn chân hương là hương chân thật, hương pháp thân thì quên mất không nhớ tới, chỉ nhớ mùi hương trần bên ngoài. Trần có nghĩa là bụi. Bụi đóng che mất gốc chân thật. Đây nhắc phải nhớ trở lại, chớ theo những mùi thơm, hôi bị lỗ mũi lừa gạt.

Xưa, Phật dùng những tiếng rất hay “hương trần”, nay chúng ta gọi là hương thơm. Nhưng dù nó thơm cách mấy thì cũng là trần là bụi, phải nhớ kỹ đừng để lỗ mũi nó lừa.

Thường đa số mọi người đều bị lỗ mũi lừa. Khi ngửi được mùi thì đều nói là lỗ mũi ngửi được mùi. Sự thật, lỗ mũi chỉ là mấy miếng thịt hợp lại làm sao biết ngửi mùi. Phải nhớ sống trở lại tánh biết ngửi, vì đó là cái luôn hiện hữu nơi mình, nó không thuộc nơi lỗ mũi, cũng không thuộc nơi mùi vì sao lại quên chỉ nhớ mùi, nhớ lỗ mũi đừng để lầm qua. Vì vậy, chúng ta cần phải sám hối nghiệp căn của mũi để nhắc sống trở lại.

Ông Hoàng Đình Kiên (Hoàng Sơn Cốc) học thiền với Thiền sư Hối Đường thời gian lâu mà vẫn chưa sáng. Một hôm, Hối Đường vì ông nhắc chuyện Khổng Tử dạy học trò. Khổng Tử nói: “Này các con! Các con cho là ta có giấu giếm gì với các con ư! Không, ta không có gì giấu giếm các con hết”.

Qua câu chuyện, Thiền sư muốn đánh thức ông nhưng ông vẫn chưa rõ. Hôm ấy, Ngài dẫn ông đi lên núi chơi, nhằm mùa hoa quế nở rộ, mùi thơm bay xa. Khi đó, ngài Hối Đường hỏi: “Ông có ngửi được mùi hoa quế không?” Ông đáp: “Ngửi biết”. Ngài Hối Đường nói: “Như vậy thì ta có giấu giếm gì ông đâu?” Nghĩa là khi đi tới ông ngửi được mùi hương của hoa liền, cũng vậy cái đó nó sẵn nơi ông, ta đâu có giấu giếm gì với ông, lẽ thật nó ở ngay đó rồi. Ngay đó, ông tỏ ngộ.

Sám hối nhớ được vậy thì rất là hay, chứ còn cứ nhớ mùi hoa quế mà quên mất lẽ thật này, đó gọi là lầm mê, nhớ trở lại được như vậy thì hằng ngày khi vào trong bếp trị nhâït chúng ta đều luôn có cơ hội để tỏ ngộ. Mỗi khi ngửi mùi thức ăn trong bếp thì nhớ là các ngài đâu có giấu giếm gì với mình đâu, được vậy thì khi ở trong bếp nó luôn luôn sáng ngời. Chính ngay đó, chúng ta cũng đã sám hối rồi, đâu phải đợi lên bàn Phật tụng mới là sám hối, nhiều khi lên bàn Phật tụng sám hối nhưng khi gặp duyên đến thì quên mất, như vậy chưa đúng nghĩa sám hối.

4- Nghiệp căn lưỡi “Tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở”. Lưỡi theo đủ những mùi ngon dở, hôi thơm, cứ xét cái này ngon, cái kia dở mà quên mất lẽ thật khi nếm vị. Nếu khi nếm vị liền biết cái gì biết nếm đó. Như vậy, là hiện tiền sáng ngời. Nhưng lại không nhớ, không sáng, chỉ lo nhớ cái lưỡi, nhớ mùi ngon dở rồi theo đó khen chê thành ra xa mất lẽ thật, đây là quên mất gốc thật.

Rồi lưỡi lại có công năng nói, vừa nếm vị vừa nói nữa. Căn này rất dễ gạt người. Khi nói thì chạy theo những tiếng bàn nói chuyện đâu đâu, gọi là “Bàn luận cổ kim, khen chê này nọ”. Bàn chuyện xưa chuyện nay, rồi khen chê việc này việc nọ, theo cái đó quên mất tánh biết hiện hữu là lẽ thật nơi mình.

Trước khi nói, tánh biết luôn có mặt hiện hữu nơi mình mà chúng ta quên. Cho nên, ngài Huệ Hải đến cầu Mã Tổ học đạo. Mã Tổ hỏi: “Đến đây cầu việc gì?” Đáp : “Cầu Phật pháp”. Mã Tổ khai thị:“Kho báu nhà mình không chịu nhận, mà lo đến người cầu cái gì?” Huệ Hải hỏi: “Thế nào là kho báu nhà mình của Huệ Hải?” Mã Tổ dạy: “Chính cái ông hỏi ta đó là kho báu của ông, đầy đủ không thiếu sót”.
Tức là ngay cái ông hỏi ta đó là kho báu của ông, nhưng mà ông cứ quên cái đó mà lo đi hỏi cái gì, lo đi cầu những cái hiểu của ông thầy nói ra để nhận hiểu, còn cái hiện tiền gần gũi nơi mình thì lại bỏ quên. Cái ông đang hỏi ta mới là gốc, còn cầu hiểu được những cái của ông thầy nói thì là cái của ông thầy, sau cũng trả lại ông thầy, hoặc là những cái của Phật, của Tổ thì cũng trả lại Phật Tổ.

Người dù hay giỏi cách mấy nói được thì cũng chỉ nói cái của Phật, của Tổ thôi, chưa phải là cái của chính mình, còn cái mà ông đang hỏi ta là cái chính của ông, cái đó mới là cái gần gũi. Hôm nay, quý thầy nhắc để tất cả cùng nhớ trở lại chỗ đó, sám hối như vậy là nhớ lại chính mình.

5- Nghiệp căn thân “Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp, chấp cho là thật, quên mất pháp thân”. Tức là thân do gân, xương, máu thịt kết lại, chấp cho nó là thật mình, quên mất pháp thân chân thật, rồi theo đó mới sinh dâm sát trộm. Tức là tạo các nghiệp sát đạo dâm: sát sanh, trộm cắp, tà dâm… quên mất tánh chân thật của mình. Chứ còn ngay khi vừa chạm đến vật, khi vừa xúc chạm nó, biết liền. Tánh biết này đâu ở nơi vật, cũng đâu thuộc thân xác thịt, tuy nhiên vừa chạm thì nó biết được.

Quý vị đang đi mà lỡ ai đụng thì sao? Lúc đó có cần phải suy nghĩ để biết không? Tại sao không nhớ cái đó, vậy khi đó nhớ cái gì? Lúc đó, chỉ biết phân biệt chị này thô tháo vô lễ quá, rồi sanh tâm sân hận buồn vui, quên mất cái chân thật đang có. Nếu nhớ thì nó luôn luôn hiện hữu sáng ngời, chạm đến đâu biết tới đó, từ trên đầu tới chân đều biết đủ hết.

Thiền sư Bàn Khuê dạy về tính hiện hữu này, Ngài gọi là tâm Phật bất sinh luôn luôn hiện hữu và nói thí dụ công năng bẩm sinh của tâm Phật này. “Như khi bạn đang ngồi yên, bỗng ai dí vào tay mình một đốm lửa, ngay đó bạn liền giật mình và tự động rút tay lại không cần suy nghĩ. Điều này chứng tỏ tâm Phật vốn bất sinh chiếu sáng kỳ diệu và nó dàn xếp một cách hoàn hảo mọi sự. Ngược lại, khi bạn nghĩ rằng vừa rồi là một đóm lửa, rồi nhận ra ngay đó là lửa nóng, liền tức giận kẻ nào đã đốt tay mình đây, thì khi đó chính bạn đã rơi vào kinh nghiệm phụ thuộc khi sự kiện đã xảy ra”. Tức là sự kiện xảy ra rồi, bây giờ suy nghĩ sự kiện xảy ra liền nghĩ chị này hay anh này chơi trò gì đây, sanh nóng giận, từ đó che kín cái chân thật.

Cho nên, sám hối căn thân để nhớ trở lại lẽ thật không theo những xúc chạm bên ngoài, không tạo những nghiệp sát sanh, trộm cướp, tà dâm làm quên mất tánh chơn này và lúc nào cũng nhớ để sám hối trở về.

6- Nghiệp căn ý phải sám hối là “Nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng, mắc mứu tình trần, kẹt tâm chấp tướng”. Vì lo nghĩ những chuyện đâu đâu, không đáng nên gọi là nghĩ vơ nghĩ vẩn, vì không làm chủ và cũng không lúc nào dừng được nó. Cả những lúc đang ngồi nghỉ nhưng nó có chịu nghỉ không? Cũng nghĩ vơ nghĩ vẩn không chịu dừng. Cho nên, vì mắc mứu theo tướng, theo tình trần nên quên mất tánh biết đang hiện hữu nơi mình. Trước khi suy nghĩ nó vẫn có sẵn, khi suy nghĩ thì nó có sau, nhưng hầu như chúng ta chỉ nhớ cái suy nghĩ mà quên mất cái có sẵn này, đó là lầm mê. Thế nên, người có học có tu chút ít khi ngồi thiền thì nó tạm yên lặng vừa có cái nghĩ khởi lên biết liền, vì nó có trước cái suy nghĩ nên niệm vừa khởi lên liền biết. Hiện nay, chúng ta trở về ngay căn ý này mà sám hối để sống trở về chỗ chân thật. Khi tâm có niệm tham, niệm sân khởi lên thì biết có niệm tham, niệm sân, cái biết này có trước niệm tham, sân kia, đừng lầm nhận những niệm tham, sân kia là mình. Như vậy, rõ ràng đây là pháp sám hối trở về gốc chơn.

Hiện giờ, quý vị kiểm lại tâm xem có sân hay là không có hoặc chút nữa gặp duyên sẽ có, như vậy niệm sân, si … khi có khi không nhưng cái biết này thì lúc nào cũng có. Vậy mà chỉ lo sống với cái kia, có phải lầm không? Hoặc là khi tham, sân nó khởi lên thì mình phải quán kỹ xem tham nó xảy ra như thế nào, theo dõi tiến trình của nó khởi ra sao, nhận diện nó và khi thấy rõ rồi chúng ta mới không theo nó.

Thí dụ: khi niệm sân đang khởi, quán kỹ tiến trình nó diễn tiến như thế nào, xét kỹ rồi thì tự mình tách rời ra khỏi nó, không đồng hóa mình đi theo nó, thì đâu bị nó chuyển.

Còn khi sân vừa khởi lên thì cho đây là việc đáng để tôi sân, thành ra đồng hóa mình với niệm sân đó, theo nó một lúc rồi kéo dài càng xa, càng mất mình. Nếu xét kỹ thì mình là người quan sát, còn sân là cái bị quan sát. Giống như khi ngồi xem phim, xem nó diễn tiến thế nào, chỉ nhìn nó mà không đồng hóa với nó. Vậy là chúng ta làm chủ trở lại, rõ ràng mình đâu phải cái sân đó, mình có trước cái sân đó, như vậy khi sám hối là nhớ trở lại thì chúng ta làm chủ được, do đó bớt tham, sân, si.

Như câu chuyện ngài Kỉnh Huyền học đạo Thiền sư Duyên Quán. Ngài Duyên Quán chỉ tượng Quán Âm nói: “Có người nói tượng này là do ông Ngô Xử Sĩ vẽ”. Ngài Kỉnh Huyền mới suy nghĩ, ngài Duyên Quán nhanh miệng nói: “Cái này có tướng cái kia không tướng”. Ngay đó, ngài Kỉnh Huyền tỏ ngộ.

Khi vừa nghe nói tượng Quán Âm này là của ông Ngô Xử Sĩ vẽ, theo thói quen liền nghĩ tưởng xem vẽ như thế nào, vừa có tướng của tượng Quán Âm, vừa tưởng tượng ra tướng của ông Ngô Xử Sĩ, thành ra trong tâm có tướng liền. Mà cái có tướng này là sau, còn cái kia không tướng thấy trước những cái này.

Khi biết được cái này có trước cái kia đó là chúng ta cũng đã sám hối ở mức độ sâu hơn rồi, còn những khi bình thường có niệm tham, niệm sân, niệm si khởi lên thì ngay đó liền nhớ sám hối trở lại.

Nếu chúng ta luôn biết như vậy, luôn nhớ trở về đó là trở về gốc, luôn sám hối như vậy thì đúng là chân thật sám hối, nhờ vậy mà hằng ngày tâm lúc nào cũng sáng. Sám hối như vậy thì công đức vô lượng không tính kể được.

Còn như khi lên tụng kinh sám hối trên bàn Phật xong xuống quên hết. Vậy một ngày thời gian sám hối chừng nửa tiếng đồng hồ, thời gian còn lại thì thả cho tâm chạy đông tây. Khi đã hiểu rồi thì mỗi người ráng tu thật kỹ, vì đây là lẽ thật mà từ xưa các kinh Phật cũng đều dạy như thế, không phải người sau đặt ra.

Các bài kinh Phật hệ Nguyên thủy nói: Thí dụ như có sáu con vật bị buộc vào trong cây cọc. Con kéo đi hướng tây, con kéo đi hướng nam, con kéo đi hướng bắc, mỗi con kéo đi một hướng nhưng vì bị buộc vào cái cọc nên chúng không đi đâu được hết. Các Tỳ-kheo khéo tu sáu căn cũng giống như các con vật bị buộc như vậy đó.

Thấy chạy theo sắc, tai theo tiếng…, sáu cái đó nó lôi theo sáu tướng nhưng mà có cái cọc buộc lại thì sao? Thì hết chạy. Đó là sám hối trở về. Buộc chặt nó vào niệm chuyên nhất, không cho nó chạy theo bên ngoài thì đó là cách tu trở về thực tế.

Trong kinh Kim Cang, Phật dạy Bồ-tát phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì vô trụ tướng bố thí. Bố thí không trụ tướng là sao? Là không trụ nơi các trần. “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Tức là “Không trụ nơi sắc sanh tâm, không trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm nên không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy”.

Pháp tu này cũng là buông sáu trần để sám hối trở về. Tức là không cho tâm trụ bám vào các trần, thì đó là phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác chớ không phải thường. Như vậy, kinh Nguyên Thủy hay kinh Đại Thừa cũng nhằm ngay chỗ đó để nhắc nhở người tu tập.

Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy chính sáu căn là gốc sanh tử luân hồi, cũng chính sáu căn này là gốc giải thoát. Khi Phật nói đến chỗ này thì mười phương chư Phật đồng phóng hào quang chứng minh. Để nói đây không phải chỉ đức Phật Thích Ca nói mà mười phương chư Phật đều nói như vậy. Thật đúng như vậy. Nếu ngay đó mỗi người đều sám hối trở về là xong. Phải không?

Vậy việc tu quá gần gũi. Đâu cần phải tìm Niết-bàn giải thoát đâu xa. Nhận rõ được ngay nơi hiểu biết này là nguyên nhân dẫn mình đi vào luân hồi sanh tử hay giải thoát, liền tỉnh. Chỉ cần thấy nghe hiểu biết tất cả mà không bỏ sót chính nó là xong. Tức là ngay khi thấy, nghe, hiểu biết mà không sanh thêm cái thấy, nghe, hiểu biết nữa là đường trở về Niết-bàn giải thoát.

Nghĩa là, mỗi khi thấy, nghe vẫn luôn nhớ tánh thấy, tánh nghe hiện hữu trong đó mà không nhớ các trần bên ngoài nên gọi là không bỏ sót thì ngay đó là đường trở về. Còn quên nó chạy theo các trần bên ngoài, phân biệt hơn thua, phải quấy thì đó là đi vào luân hồi sanh tử.

Như vậy, từ kinh Nguyên Thủy đến kinh Đại Thừa, Phật đều nhấn mạnh căn bản tu ngay sáu căn. Còn trong nhà thiền thì sao? Cũng nhằm ngay chỗ này khai thị đường trở về chớ không gì hết. Đưa cây phất tử lên để nhắc người trở về tánh thấy. Gọi, dạ để nhắc nhớ trở về tánh nghe nơi căn tai…, đều nhằm ngay sáu căn hết.

Lúc ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch còn ở trong pháp hội Qui Sơn, một hôm đến phiên chăn trâu dưới núi. Ngài thấy một ông tăng lên núi, không lâu lại trở xuống, nên hỏi: “Sao không lưu lại mà xuống sớm vậy?”. Tăng thưa: “Chỉ vì nhân duyên không khế hợp”. Ngài Ngưỡng Sơn hỏi: “Có nhân duyên gì mà không thích hợp, hãy nói xem?”. Tăng thưa: “Khi gặp Hòa thượng, Ngài hỏi tôi tên gì, tôi đáp tên Qui Chơn. Hòa thượng hỏi Qui Chơn ở đâu? Tôi không đáp được, thấy nhân duyên không hợp nên xuống núi”.

Chữ Qui là trở về. Chữ Chơn là chân thật. Qui Chơn là trở về chơn thật. Ngài Qui Sơn nhân cái tên đó muốn gạn xem vị tăng này có hiểu biết gì không, nên nói: “Ông tên Qui Chơn hả! Vậy thì Qui Chơn ở đâu?” Cái gì mới là Qui Chơn chớ cái tên này đâu phải là Qui Chơn. Vị tăng không hiểu nên đáp không được, mới xuống núi.

Ngài Ngưỡng Sơn nói: “Thôi, ông hãy trở lên thưa với Hòa Thượng là con đã nói được rồi. Nếu hỏi nói thế nào? Thì ông đáp là trong mắt trong tai, mũi v.v…”. Vị tăng trở lên làm đúng như lời dạy. Ngài Qui Sơn quở: “Kẻ nói suông vô ích. Đây là lời của thiện tri thức 500 người”. Ngài Qui Sơn biết đây không phải là lời của vị tăng, do nghe từ ai rồi nói lại.

Chúng ta thấy người xưa đạt đạo có chỗ sống thực khi nhìn nghe người nói là biết thứ thiệt hay thứ giả. Bởi chính các ngài có con mắt thật rồi nên nhìn cử chỉ, nghe giọng nói là biết người này chưa được, biết cái mà ông phát ra là do ông học nói lại hay từ chính ông.

Người học lóm của người khác nói lại thì cử chỉ và lời nói không đủ niềm tin vì không phải của chính mình. Người sống được nói ra thì lời nói đó chính xác khiến người đủ niềm tin. Vì thế mà các ngài thấy cử chỉ, nghe lời nói là biết liền.

Vậy Qui Chơn là trở về lẽ thật mà lẽ thật đó ở đâu? Thì ở ngay sáu căn này. Ở ngay thấy nghe hiểu biết này chớ không đâu khác. Mê cũng từ nơi sáu căn này tạo nghiệp đi vào sanh tử, đó là theo vọng. Ngay sáu căn hư vọng đó mà nhớ trở về thì đó là Qui Chơn.

Như vậy, ngay nơi thấy nghe hiểu biết của sáu căn buông các duyên theo trần thì trở về gốc chân thật. Vậy sám hối sáu căn là nhắc mỗi người buông sáu trần hư vọng để qui chơn. Không để mắt chạy theo sắc khiến lòa mắt chưa sanh, lỗ tai không lắng theo tiếng tà quên mất gốc chân thật… Khéo biết là tỉnh ngộ.

Như vậy, theo dòng thấy, nghe, hiểu biết này trở về gặp lại ông chủ sẵn có của chính mình, đó chính là chân lý cứu cánh mà Phật Tổ đã đắng miệng khai thị cho chúng sanh. Chỉ bao nhiêu đó thôi mà các ngài nhọc nhằn ra đời, nói hết bài kinh này, hết bài pháp kia để khai thị nhưng chúng sanh vẫn không chịu nghe. Vì vậy, các ngài thương xót mà nhắc đi nhắc lại hoài.

Nếu như ai quán kỹ sẽ thấy thương Phật thương Tổ. Các ngài ra đời, nhắc cho chúng ta nhớ lại chứ đâu cần nhắc các ngài nữa, phải không? Các ngài đã tỏ ngộ, đã sống được chỗ đó rồi, nếu các ngài vì lợi ích riêng tư thì đâu phải nhọc nhằn như vậy. Còn đây, vì thương chúng sanh nên ra đời, chịu khó, chịu nhọc, nhắc nhở tới lui, đâu phải nhắc ai cũng chịu nghe hết, có khi nhắc nhiều đã không chịu nghe còn phiền trở lại nữa. Thấy được chỗ đó rồi mới cảm mà thương quí cái ân lớn của Phật Tổ. Vậy, mỗi người phải khéo đánh thức mình, để luôn nhớ sống trở về cho bớt lầm mê.

Hiểu kỹ như vậy sẽ nhận rõ ngay bài sám hối sáu căn này là chân lý tuyệt vời. Đó là lối tu chân thật thể nghiệm ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, đầy đủ trí tuệ không thiếu gì hết. Đây đúng là một sáng tạo của Phật giáo nước nhà chớ không phải tầm thường. Đó là mở một lối đi sáng ngời, chính ngay nơi sáu căn thấy, nghe, hiểu biết tất cả mọi trần cảnh đối trước nó, ngay đó sám hối nhớ trở lại, không theo các trần cảnh, giữ nguyên thấy biết chỉ là thấy biết, đó là sống ngay thực tại hiện tiền sáng ngời, thì đó là tâm thiền. Thường tu sám hối như vậy thì còn chỗ nào để sanh tội lỗi.
Còn chúng ta hiện nay sám hối hoài mà cứ sanh tội lỗi là sao? Sám hối để hết tội lỗi chứ còn sám hối mà còn tội lỗi thì sao? Là bởi vì lên bàn Phật thì sám hối mà xuống bàn Phật thì hết sám hối. Nếu chỉ lễ lạy trên hình thức bên ngoài mà không chuyển nơi tâm thì chủng tử tội lỗi vẫn còn trong tâm khi gặp duyên thì sanh trở lại rồi tạo lỗi tiếp.

Cho nên, theo tinh thần sám hối sáu căn này thì mới thấy đó là một pháp tu thực tiễn ngay trong cuộc sống, mỗi bước đi của chúng ta là mỗi bước sáng tạo, sáng ngời. Người thực tu học Phật mỗi bước đi là đến gần lẽ thật, mỗi bước đi là mỗi bước trở về quê hương nguyên thủy. Còn quê hương hiện tại thì sao? Đây không phải là quê hương thật của chúng ta. Vậy thì mỗi người phải luôn thấy được cái hay để phát triển, để làm sáng tỏ thêm Phật pháp ở thế gian.

Pháp sám hối này là đang trên đường trở về với tri kiến Phật mà trong kinh Pháp Hoa, Phật thường dạy. Được vậy thì sẽ có lúc thấy Phật Đa Bảo hiện bảo tháp. Phật Đa Bảo không ở đâu xa! Nếu khéo tu rồi cũng có một ngày chúng ta mở được cửa tháp báu để thấy Phật Đa Bảo với Phật Thích Ca ngồi chung tòa, đó là lẽ thật.

Hiểu rồi, từ đây về sau khéo sám hối sáu căn cho đúng ý nghĩa, không chỉ cạn cợn trên hình thức, không phải lên bàn Phật mới sám hối mà hằng ngày luôn nhớ sám hối nơi sáu căn, thì việc sám hối đầy đủ công đức lành hơn.

Bài Sám Hối Sáu Căn rất nhiều ý nghĩa, giúp chúng ta bớt được những lầm mê trong cuộc sống hàng ngày, vừa phát triển được trí tuệ đưa mỗi người đến lẽ thật. Như vậy, hôm nay đã thấy được ý nghĩa sám hối sáu căn đầy đủ rồi thì tất cả phải cố gắng sám hối cho đúng ý nghĩa.


 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 63862
  • Online: 27