Yếu chỉ minh tâm

02/01/2019 | Lượt xem: 3149

TT.Thích Thông Phương

I- TÂM CÓ HAY KHÔNG?

 Nói minh tâm tức sáng tỏ được tâm, vậy tâm có hay không mà minh? Nếu nó là không có thì minh cái gì? Nếu nó là có thì chỉ ra xem! Hơn nữa, trong nhà Thiền thường đề cao vô niệm, vô tâm như Thiền sư Hoàng Bá-Hy Vận nói trong Truyền Tâm Pháp Yếu: “Tâm này tức tâm mà không tâm, lìa tất cả tướng, chúng sinh chư Phật không có sai biệt, chỉ hay vô tâm liền là cứu cánh. Người học đạo nếu không thẳng đó vô tâm thì nhiều kiếp tu hành trọn không thành đạo, bị công hạnh tam thừa ràng buộc, không thể được giải thoát. Nhưng chứng tâm này có nhanh chậm. Có người nghe pháp một niệm liền được vô tâm. Có người đến Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng mới được vô tâm. Dài hay ngắn được vô tâm mới trụ, lại không có thể tu, không có thể chứng, thật không sở đắc, chân thật không dối”.

Vậy thì việc này thế nào? Đây là vấn đề thắc mắc của nhiều người học thiền. Chưa thấu suốt được việc này là chưa vào được cửa thiền.

 

II- TÂM LÀ GÌ?

Trước khi trả lời có không, cần rõ “Tâm là gì” thì chuyện có không tự nhiên được giải quyết xong. Cứ lo cải về có không mà không rõ tâm là gì, cũng là cải trong mê thôi.

Tổ Tăng Già Nan Đề độ Già Da Xá Đa xuất gia theo Ngài. Một hôm nhân gió thổi trước điện Phật, tiếng linh khua. Tổ hỏi:

- Linh kêu hay gió kêu?

Xá Đa thưa:

- Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu mà tâm con kêu.

Tổ hỏi:

- Tâm như thế nào?

Xá Đa đáp:

- Đều lặng lẽ.

Sao gọi là tâm kêu? Linh và gió vốn là vật vô tình, đâu biết kêu hay không kêu. Chính tâm mới biết được tiếng kêu và đó là cái đang hiện hữu sáng ngời đây, là linh hồn của Sự sống; nếu không có nó thì thế giới này thành thế giới chết, dù có gió, có linh nhưng có thành được gì. Song tâm kêu như thế nào? Phải nhận hiểu thật kỹ không thể lờ mờ. Nếu nhận cái biết theo tiếng, theo cảnh là mê rồi, khi không có cảnh thì sao?

Cho nên Tổ gạn lại: “Tâm như thế nào?”, Xá Đa đáp: “Đều lặng lẽ.”

Cần thấy rõ! Biết kêu mà hằng lặng lẽ. Bởi tâm là biết, nếu không biết tức thành cây đá rồi, nhưng biết mà động theo duyên, theo cảnh, theo tiếng linh, tiếng gió là cái Biết sinh diệt, Biết thuộc nơi duyên, không duyên liền thành không biết. Còn đây, Biết mà hằng lặng lẽ, tức Biết không thuộc nơi duyên, không rời tự tánh Biết. Như vậy mới gọi là “ Chẳng động đạo tràng mà hiện hữu khắp mười phương” Người học Thiền không thể lầm lẫn chỗ này.

 

III- TÂM CÓ HÌNH TƯỚNG GÌ?     

Đã biết nghĩa của tâm rồi, vậy tâm có hình tướng gì? Trong Truyền Tâm Pháp Yếu, Thiền sư Hoàng Bá- Hy Vận bảo ông Bùi Hưu:

-“Chư Phật cùng tất cả chúng sinh chỉ là một tâm, không có pháp riêng. Tâm này từ vô thủy đến nay không từng sinh diệt, không xanh vàng, đỏ trắng, không hình không tướng, không thuộc có không, không kể mới cũ, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng lớn chẳng nhỏ, vượt qua tất cả hạn lượng, danh ngôn, dấu vết đối đãi, chính ngay đó liền phải, động niệm liền trái”.

Phải thấy tâm này như thế, nó vượt ngoài mọi hình tướng đối đãi, không là một cái gì hết, chớ lầm. Có cái gì tức thành vật rồi, là thuộc cái bị nhận thấy, bị nhận biết, liền rơi vào bóng dáng không phải thật. Cho nên vừa khởi niệm hiểu nó là mất nó ngay.

Thiền sư Bảo Thông- Đại Điên thượng đường bảo:

- “Nay tôi vì các ông nói trắng ra, mỗi người hãy lắng nghe mà nhận lấy: chỉ trừ bỏ tất cả vọng động, tưởng niệm xét lường tức chân tâm của ông”.

Chỉ cần trừ bỏ tâm vọng động nghĩ lường thôi, tức ngay đó là chân tâm sáng tỏ rõ ràng, không cần tìm hiểu gì khác. Song trừ bỏ đi đâu? Tức ngay đây thấy trở lại trước khi vọng động, tưởng niệm dấy khởi, thầm nhận tột nơi đầu nguồn không thuộc các duyên, không thuộc tướng bị biết. Tâm này có hình tướng gì? Quả là không có cái gì lẫn lộn được nó. Đó mới là nguồn gốc của tất cả.

 

IV- TÂM Ở ĐÂU? LÀM SAO NHẬN?

Biết có tâm rồi, nhưng làm sao nhận ra nó? Hiện nó ở đâu?

Sự thật hỏi ở đâu là lầm. Có ở đâu tức có chỗ, mà có chỗ là thành cái bên ngoài không phải tâm thật chính mình.

Trong Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận, Thiền sư Tuệ Hải bảo:

- Tâm trụ chỗ nào?

Đáp:

- Tâm trụ chỗ không trụ là trụ.

Hỏi:

- Thế nào là chỗ không trụ?

Đáp:

- Chẳng trụ tất cả chỗ, đó là trụ chỗ không trụ.

Hỏi:

- Thế nào là chẳng trụ tất cả chỗ?

- Đáp:

- Chẳng trụ tất cả chỗ là: Chẳng trụ nơi lành dữ, có không, trong ngoài, chặng giữa, chẳng trụ không cũng chẳng trụ chẳng không, chẳng trụ định cũng chẳng trụ chẳng định, tức là chẳng trụ tất cả chỗ, đó là chỗ trụ. Người được như thế gọi là tâm không trụ. Tâm không trụ tức là tâm Phật.

Vậy ai thấy tâm ở đâu chưa? Nó là không trụ chỗ nào hết, tức không thuộc một duyên gì, là không cùng muôn pháp làm bạn, đó là chỗ trụ của tâm. Tâm đó mới chính là tâm thật, tâm gốc. Tâm của thế gian thì không phải vậy, luôn luôn là dính mắc nên lúc nào cũng thấy có chỗ. Bảo không chỗ là chới với vì mất chỗ bám níu. Mà có chỗ là bị trói vào chỗ đó rồi! Là bị chỗ đó che mờ! Hàng tỷ người, có tâm mà không nhận được tâm là ở chỗ đó. Thật đáng tiếc! Do không nhận được tâm thể vô trụ này nên dòng luân hồi cứ tiếp nối mãi không dứt. Ngược lại, nhận ra tâm thể vô trụ này, là con đường ra khỏi luân hồi từ vô thủy kiếp. Chân lý giác ngộ giải thoát ở ngay trước mắt đây thôi, người có thể chứng nghiệm thực tế ngay cuộc sống này.

Ngài Hoàng Bá bảo:

- “Chỉ ngay cái thấy nghe hiểu biết nhận bản tâm, song bản tâm chẳng thuộc thấy nghe hiểu biết, cũng không rời cái thấy nghe hiểu biết. Cốt yếu là, chớ ở trên cái thấy nghe hiểu biết khởi phân biệt, cũng chớ ở trên cái thấy nghe hiểu biết mà động niệm. Cũng chớ lìa cái thấy nghe hiểu biết mà tìm tâm, cũng chớ bỏ cái thấy nghe hiểu biết mà nhận pháp, không tức không lìa, không trụ không dính, tung hoành tự tại đều là đạo tràng”.

Nghĩa là ngay cái thấy nghe hiểu biết hằng ngày đây, nếu không có tâm thì lấy cái gì thấy nghe hiểu biết, lại ở trên đó khởi thêm hiểu biết nữa, biến nó thành cái thứ hai, rồi lại đi tìm hiểu biết, thật là luẩn quẩn!

Giờ đây, chỉ cần thấy nghe hiểu biết tất cả, nhưng thấy chỉ là thuần thấy, nghe chỉ là thuần nghe, không xen lẫn sắc thinh vào trong ấy, không tìm lấy chỗ trụ, thì có gì che đậy? Có gì mê mờ? Có lúc nào là tối đâu? Vậy sao không chịu Minh, lại còn tìm Minh cái gì? Đem cái Minh để Minh lại nó, tức đem cái sáng để soi sáng lại nó, là biến nó thành cái bóng thứ hai, là đẩy nó thành ra khách, lại thêm một lớp mê mới.

Kinh Lăng Nghiêm Phật bảo: “ Tánh giác tất minh, vọng vi minh giác”. Nghĩa là cái giác trong tự tánh nó vốn hẳn là sáng tỏ rồi, lại mê để vọng làm thành ra cái soi sáng lại tánh giác. Đây là cái lầm vi tế. Cứ tưởng là nó chẳng sáng, rồi khởi thêm cái sáng để soi sáng lại nó, gọi là “trên đầu thêm đầu. ”

Có vị Tăng đến hỏi Qui Sơn:

-Thế nào là đạo?

Sư đáp:

- Không tâm là đạo.

Tăng thưa:

- Con chẳng hội.

Sư bảo:

- Hãy hội lấy cái chẳng hội.

- Thế nào là cái chẳng hội?

- Chính là ông, chẳng riêng người nào khác.

Sư lại nói:

- Người thời nay chỉ ngay đó thể nhận CÁI CHẲNG HỘI, chính đó là tâm ông, chính đó là Phật của ông. Nếu nhằm ra ngoài mà được chút ít hiểu biết cho là thiền, là đạo, đều không dính dáng

Ở đây Qui Sơn chỉ thẳng cho ông tăng thầm nhận trở lại ngay cái chẳng hội là xong, “yếu chỉ minh tâm” sáng ngời trong đó. Ông bảo là chẳng hội, nhưng cái gì biết chẳng hội? Cái đó đâu thuộc chẳng hội, và đã là chẳng hội tức không có chỗ hiểu, không có chỗ duyên, vậy ngay đó là cái gì? Tỉnh trở lại ngay đó là hay quá rồi, còn tìm gì nữa? Muốn tìm thêm cái để hội nữa là trái với lẽ thật đang hiện hữu đó! Gọi là trước mặt lầm qua!

Cũng như có vị Tăng hỏi Thiền sư Đạo Diên:

- Xin Hòa Thượng thầm trao chân tâm!

Sư bảo:

- Chớ nói dối trong ấy không người sao?

Đã là chân tâm chính mình thì bảo ai trao? Có trao là thuộc của người khác rồi. Chính ngay trong câu hỏi đó là có hay không? Nếu không thì cái gì biết hỏi? Câu đáp ngay trong lời hỏi rồi. Nên Thiền sư Đạo Diên bảo: “Chớ có nói dối, trong ấy không người sao?” Quả thật yếu chỉ thiền ngay trước mắt chỉ cần khéo quên duyên, thầm nhận trở lại là xong. Tâm vẫn sáng ngời muôn thuở đó!

 

V- TÓM KẾT:

Nói MINH TÂM mà thật không có TÂM nào khác để MINH, chỉ MINH trở lại cái “Tâm không hiểu” đó thôi. Thầm nhận trở lại cái tâm đang đi tìm để minh, đó là cứu cánh trên hết. Yếu chỉ Thiền là ở chỗ đó. Còn thấy có cái để minh là còn mê không thể chối cải. Thiền sư Huyền Giác có bài kệ:

Nếu dùng cái BIẾT biết lặng,

Đây chẳng phải BIẾT không duyên,

Như tay cầm cây như ý,

Chẳng phải không tay như ý.

Nếu dùng tự BIẾT mà biết,

Cũng chẳng phải BIẾT không-duyên,                      

Như tay mình tự nắm lại,

Chẳng phải không cái tay nắm.

Cũng chẳng biết cái BIẾT lặng,

Cũng chẳng biết cái BIẾT ấy.

Nhưng chẳng thể không có BIẾT,

Do vì tánh đã sẵn rõ,

Chẳng đồng với cây đá kia.

Như tay chẳng cầm vật gì,

Và cũng chẳng tự nắm lại,

Chẳng thể cho không có tay,

Do vì tay vẫn an nhiên,

Vốn chẳng đồng với sừng thỏ.

Nghĩa là còn dùng cái BIẾT để biết lặng, là còn cái lặng để biết, còn có đối tượng. Nếu dùng tự BIẾT mà biết, cũng còn có cái “Tự” làm duyên, chưa phải thật tự do tự tại không duyên. Phải thẳng đến chỗ sạch hết mọi chỗ duyên, không chỗ để chiếu soi, tự riêng sáng ngời không có bạn, ngay đó Thật tướng hiện tiền.

Đây kết lại bằng đoạn nhân duyên của vị tăng hỏi Thiền sư Khánh Chư ở Thạch Sương. Sư ở trong phương trượng, vị tăng ở ngoài song cửa hỏi:

- Cách nhau mấy tấc, vì sao chẳng thấy mặt thầy?

Sư đáp:

- Ta nói khắp hết chẳng từng giấu.

Sau đó vị tăng ấy đến hỏi Hòa thượng Tuyết Phong:

- Nói khắp hết chẳng từng giấu, ý chỉ thế nào?

Tuyết Phong đáp:

- Chỗ nào chẳng phải Thạch Sương!

Ông tăng cứ lo tìm hỏi Thạch Sương, kiếm chỗ để thấy, nên không thể thấy, đến nỗi nhọc nhằn chạy đến Tuyết Phong cũng chẳng được gì khác: “Chỗ nào chẳng phải Thạch Sương”. Chỉ cần dừng tâm chạy tìm, ngay đó rõ ràng xưa nay chưa từng che giấu. Yếu chỉ Minh Tâm sáng ngời muôn thuở!

 

***

 

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88953
  • Online: 36